Mẹ Tôi Ép Tôi Bán Nhà Để Lo Cưới Vợ Cho Em Họ
Chương 1
1
Sau khi tôi gửi tin nhắn, group gia đình bỗng im bặt.
Tối về nhà, tôi thấy mẹ vẫn nằm chễm chệ trên ghế sô-pha.
“Tới giờ rồi, cậu vẫn chưa đến à? Hôm nay con không có tiếp khách, cũng không uống rượu, mẹ chuẩn bị hành lý đi, con đưa mẹ qua đó.”
Mẹ tôi nổi đóa, ném cái điều khiển từ xa xuống đất: “Cậu mày bận! Không rảnh tới đón tao, đợi xong việc sẽ tự đến!”
“Vậy thì con đưa mẹ đi luôn, đỡ phải phiền cậu chạy tới chạy lui.”
Mặt bà sa sầm lại: “Hứa Ngôn Tâm, cánh cứng cáp rồi hả? Kiếm được chút tiền là dám cãi mẹ à? Còn dám đòi cắt đứt quan hệ? Mày là đồ ăn cháo đá bát, sau này nhà chồng nào dám nhận mày chứ! Được! Cắt thì cắt, sau này có khóc cũng đừng tới cầu xin tao!”
“Vậy sao cậu vẫn chưa tới đón mẹ?”
Mẹ tôi cười lạnh: “Cậu mày bận, ngày mai tới! Sau này mày đừng có mà khóc lóc đòi mẹ quay lại!”
Từ nhỏ đến lớn, mẹ tôi chính là điển hình của một “fan cuồng em trai”.
Vì muốn nuôi cháu trai — là Vương Chiêu, mẹ ép tôi từ nhỏ phải uống sữa bột để bà dành sữa mẹ cho cậu ta bú.
Bà thường xuyên kể lại chuyện đó như một điều tự hào: “Vương Chiêu là do tao từng ngụm sữa nuôi lớn, nói là cháu trai nhưng chẳng khác gì con ruột, không ai bằng được nó. Sau này lúc tao ch.t, người đập bát tiễn tao chắc chắn phải là nó, chứ không phải đứa con gái như mày.”
Giờ tôi thật sự muốn để người em trai và người cậu thân yêu của bà đến đón về, thì hai người đó chạy nhanh hơn cả thỏ.
Thấy tôi im lặng, mẹ lại đổi giọng năn nỉ: “Tiểu Chiêu là em trai cùng dòng máu với con, chuyện cưới xin gặp khó khăn, con không giúp được thật sao? Con chỉ cần đưa tiền, mọi chuyện coi như xong, cả nhà lại hòa thuận.”
Tôi nhìn bà, cảm thấy buồn nôn từng cơn.
Chỉ cần bà nhắc tới “em trai” là tôi buồn nôn không chịu được.
“Ban đầu con cũng nên có một người em trai thật sự, là con ruột của mẹ… chính mẹ đã khiến em con không có cơ hội được sinh ra đời.”
Giọng mẹ bỗng cao lên: “Chuyện đó qua bao nhiêu năm rồi còn nhắc làm gì! Con mất, tao không đau lòng chắc? Đó là con tao! Không ai trên đời thương nó hơn tao!”
Tôi bật cười: “Vậy à? Con lại chưa từng thấy mẹ đau lòng.”
Nói xong tôi đứng dậy vào phòng, tắt đèn giả vờ ngủ.
Khoảng mười một giờ đêm là giờ mẹ và cậu tôi hay gọi điện nhất.
Bà bảo đó là “giờ tiếp sức” — hai chị em đã mệt cả ngày, gọi điện hỏi thăm nhau để cùng cố gắng sống tiếp.
Nhưng bao năm qua, công việc của cậu là do bà nội tôi lo giúp.
Ngày xưa cậu học hết tiểu học mà vẫn không xin được việc, mẹ tôi ép bà nội tìm cho bằng được một công việc, nếu không thì xem thường gia đình quê mùa của bà.
Bà nội lúc nào cũng hy vọng con trai và con dâu sống tốt, nên chuyện gì cũng cố gắng chiều lòng.
Cuối cùng tìm được một công việc nhàn nhã cho cậu.
Nhưng cậu ăn chơi lười nhác, sau này còn đánh nhau với sếp, khiến bà nội tuổi già còn phải cúi đầu xin lỗi người ta.
Từ đó về sau, cậu cứ lông bông ở nhà ăn bám.
Mợ tôi thấy thế không chịu nổi, cãi nhau hoài, cuối cùng đòi ly hôn.
Cậu say xỉn thì đánh người, đánh vợ.
Còn Vương Chiêu — đứa cháu trai vàng — cũng hùa theo, ghét bỏ chính mẹ ruột đã sinh ra mình.
Bọn họ quên sạch quá khứ, quên rằng khi mợ lần đầu muốn đưa Vương Chiêu rời khỏi nơi đó, cậu lại chạy ra bến xe gào lên gọi mợ là “bà bán trẻ con”, khiến mợ phải vào đồn công an giải thích cả nửa ngày mới được thả ra.
2
Tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi điện trong phòng khách, liền nhẹ chân bước đến cửa, lắng tai nghe kỹ.
“Mày à Tiểu Thành, bao giờ đến đón tao? Nếu bận quá thì tao tự qua cũng được.”
“Mày không ở đây hả? Thế mày đi đâu rồi, bao giờ quay về? Tao sống với con ranh này thật không nổi nữa.”
“Nó sống chết không chịu mở miệng đưa tiền, nhưng mày yên tâm đi, tao sẽ tìm cách. Hôn sự của Tiểu Chiêu là chuyện lớn, tao làm cô mà chẳng lẽ lại mặc kệ. Tao còn hai mươi vạn đây, đợi mày về tao đưa tiền mặt cho mày mang đi, mày cứ lo đóng tiền đặt cọc nhà đi. Ừ, mày mai về à? Vậy thì mai tới đón tao nhé.”
Xem ra lúc đầu cậu còn giả bộ nói mình đang ở xa, nhưng thấy mẹ tôi hứa chắc nịch là sẽ chuẩn bị đủ tiền, cậu mới lấy cớ quay về đón bà.
Còn mẹ tôi thì... tính toán cả rồi, bà định bán căn nhà để gom tiền tổ chức đám cưới cho Vương Chiêu.
Dùng tài sản bố tôi để lại, đi thành toàn cho cậu con cưng của bà.
Hôm sau, bạn học cùng lớp hiện làm bên môi giới nhà đất gọi điện cho tôi.
“Ngôn Tâm, cậu định bán nhà à?”
Tôi hỏi lại: “Sao vậy, cũng đang tính thế.”
“Ồ, tớ đoán mà. Sáng nay có người vừa hỏi tớ chuyện đăng tin bán nhà, tớ nhìn địa chỉ thì thấy đúng là nhà cậu. Nhưng số điện thoại liên hệ thì không phải của cậu, cậu đổi máy à?”
“Tớ đoán là lừa đảo thôi. Không sao, hôm nay cậu bận không? Tớ mang sổ đỏ và giấy tờ qua chỗ cậu để đăng ký nhà nhé.”
Tôi xin công ty nghỉ nửa ngày, mang đầy đủ hồ sơ đến văn phòng môi giới của bạn. Nói sơ tình hình, tôi bảo là muốn bán sớm, nếu có người mua thực sự có thiện chí thì giá có thể thương lượng thêm.
Bạn tôi vỗ ngực cam đoan nhất định sẽ tìm cho tôi người mua tốt cho căn hộ học khu ở vị trí đắc địa này.
Tôi yêu cầu giữ bí mật địa chỉ cụ thể của căn hộ, chỉ cung cấp cho người mua tiềm năng. Tuyệt đối không để bất kỳ nhân viên môi giới nào khác tiết lộ số nhà.
Dù hơi khó hiểu nhưng bạn tôi vẫn đồng ý.
Vì là nhà nằm trong khu học thuộc trường tiểu học trọng điểm nhất thành phố, nên chỉ sau hai ngày rao bán, đã có ba khách quan tâm.
Tôi xem qua hồ sơ bạn tôi đưa, chọn người có tướng mạo đáng tin nhất.
Đó là một người đàn ông Bắc phương, tính tình thẳng thắn, cao tới gần mét chín, thoạt nhìn khá nghiêm khắc.
Anh ấy ôm con gái nhỏ đang học mẫu giáo trong lòng.
Cô bé nép sát vào vai bố, ngoan ngoãn đáng yêu, còn người bố thì cười rạng rỡ đầy chiều chuộng.
“Nhà này ổn đấy, nhưng giá cả liệu có bớt chút được không? Tôi cũng đang gấp, ai biết mai mốt mấy chính sách học khu lại thay đổi. Giờ người ta yêu cầu phải mua trước hai năm mới tính. Con gái tôi là đứa con duy nhất, tôi nhất định phải cho nó học trường tốt. Nhưng vợ chồng tôi cũng chỉ là dân bình thường, đâu phải phú ông gì.”
Người mẹ cũng đi quanh nhà, chăm chú quan sát từng góc một.
Dễ thấy hai vợ chồng rất thương con gái.
Tôi nhìn mà thấy lòng chua xót. Hồi bé, chỉ vì muốn Vương Chiêu được học trường tốt, mà chính sách lại quy định mỗi căn hộ chỉ có một suất học, mẹ tôi ép bố chuyển hộ khẩu của tôi về nhà bà ngoại.
Nhà bà ngoại nghèo, thuộc diện học khu của một trường bình thường ở gần đó.
Bố tôi phản đối, mẹ tôi liền lấy lý do ly hôn rồi dọa mang tôi đi luôn không cho bố gặp lại con gái, ép ông nhường lại suất học.
Bà một mực cho rằng Vương Chiêu mới là cốt rễ của dòng họ, phải học trường tốt để sau này nở mày nở mặt.
Tôi thấy hai vợ chồng kia thật lòng muốn tốt cho con, nên cũng nói thẳng: “Tôi đang mâu thuẫn với mẹ, muốn bán nhà càng sớm càng tốt, nếu không bà sẽ lén bán rồi đem tiền cho cháu trai bà cưới vợ. Nên giá cả tôi có thể nhượng lại. Nhưng có thể bà sẽ đến đây gây chuyện nếu không tìm được tôi.”
Chị vợ cười nói: “Có gì đâu, chồng tôi là cảnh sát mà, tôi không tin có ai dám đứng trước cửa nhà cảnh sát làm loạn. Nhà này mua rồi là của chúng tôi, bà ấy có đến cũng phải nghĩ lại xem mình có phạm luật không.”
Vậy là hai bên nhanh chóng đồng ý.
Chốt được mức giá cả đôi bên đều hài lòng, tôi còn tặng kèm toàn bộ đồ gia dụng thông minh trong nhà. Dọn đi cũng bất tiện, mang theo hết thì chi bằng để lại.
Bên môi giới làm việc cũng rất nhanh.
Chưa kịp để mẹ tôi chạy đôn chạy đáo so sánh mức phí hoa hồng ở các chỗ khác.
Thì thủ tục bên tôi đã xong xuôi cả rồi.
Cuối cùng, chị vợ còn thân thiện kéo tôi chuyện trò: “Không phải cô nói mẹ cô sẽ đến gây sự sao? Tôi sẽ lắp camera ngoài cửa, quay lại gửi cho cô xem. Tôi ghét nhất cái kiểu trọng nam khinh nữ. Ai nói con gái không phải bảo bối của nhà mình chứ. Ba cô, bà nội cô, chắc chắn họ cũng từng rất yêu thương cô.”
3
Trong lúc tôi lo chuyện bán nhà, bên công ty cũng đang sắp xếp điều chuyển công tác.
Thực ra, từ lâu lãnh đạo đã muốn tôi nhận nhiệm vụ ở chi nhánh ngoài tỉnh. Nhưng lúc đó ba vừa mất, tôi sợ mẹ quá đau buồn nên đã từ chối mấy lần, muốn ở lại địa phương để chăm sóc bà.
Giờ thì nhìn rõ, bà đâu có cần đứa con gái này.
Tôi đề cập với lãnh đạo về kế hoạch phát triển sự nghiệp trong tương lai. Lãnh đạo nhìn tôi bằng ánh mắt kiểu “cuối cùng cũng thông suốt rồi”, rồi bảo tôi mau chóng đi làm thủ tục điều chuyển.
Một tuần sau, tôi đang dọn đồ ở căn hộ mới thuê tại Hàng Thành thì nhận được cuộc gọi video từ chị vợ của người mua căn nhà – chị La Ninh.
La Ninh phấn khích gọi video cho tôi:
“Đến rồi! Mẹ cô, cậu cô, cả thằng cháu trai cũng đến luôn! Tôi vừa lấy sổ đỏ ra, suýt nữa cậu cô tát cho mẹ cô một cái!”
Trên màn hình là gương mặt La Ninh cười đến đỏ cả mặt.
Cô bé con nhà chị ấy nghe thấy động tĩnh bên ngoài cũng chẳng sợ gì, ngược lại còn ôm cổ mẹ cười khúc khích.
La Ninh trêu con:
“Thấy chưa, học hành đàng hoàng có ích chưa, không thì ba chữ ‘sổ đỏ’ cũng không biết đọc.”
Ngoài cửa vẫn đang bị đập thùm thụp, La Ninh nói:
“Tôi mở video camera cửa cho cô coi xiếc lớn này nhé. Không cần đi sở thú Trường Long, ở đây xem biểu diễn trực tiếp luôn.”
Cảnh tượng này khiến tôi cũng bật cười, gật đầu lia lịa.
Cô bé nghe đến xiếc lớn thì cười vui vẻ:
“Mẹ ơi con muốn xem xiếc lớn!”
La Ninh hôn lên má con gái một cái “chụt”:
“Giờ coi liền!”
Nhìn khung cảnh gia đình chị ấy đầm ấm như vậy, tôi cũng thấy vui lây.
Trong video từ camera ngoài cửa, cảnh tượng náo loạn vô cùng.
Cậu tôi giật tay mẹ tôi, giọng đầy giận dữ:
“Chị! Chị làm cái gì vậy! Bán nhà rồi hả? Chị lừa tôi hả?”
Mẹ tôi mặt đơ như gỗ:
“Sao có thể! Làm sao tôi có thể bán nhà chứ! Nhất định là bọn lừa đảo! Chúng ta báo công an! Người ta chiếm dụng nhà ở!”
“Phải báo công an bắt hết tụi nó lại!”
“Giữa ban ngày ban mặt! Làm gì có chuyện vô pháp vô thiên thế này!”
Cậu nhìn thấy mẹ tôi đúng là không biết gì thật, mới buông tay bà ra.
Nhưng cổ tay đỏ ửng, đủ biết lúc đó cậu đã túm rất mạnh.
Người anh trai mua nhà bật cười, bước lên vài bước, ép sát lại:
“Các người gọi công an hả?”
Anh ấy cao gần mét chín, ánh mắt cười như không, chỉ nhìn thôi cũng thấy áp lực.
Cậu tôi vốn nhát gan, liền kéo mẹ tôi đứng chắn phía trước.
“Anh định làm gì! Anh muốn đánh người hả! Mau trả nhà cho chúng tôi! Chúng tôi có thể suy nghĩ lại chuyện báo công an!”
“Vậy gọi luôn đi, nhanh lên, không người ta còn phải nghỉ trưa đó.”