Cảm ơn bạn đã đọc truyện tại Mộng Mơ.
Mời bạn BẤM VÀO LINK SHOPEE bên dưới để mở khóa và
ĐỌC MIỄN PHÍ toàn bộ truyện!
Xin cảm ơn!
Tự Tìm Hương Sắc
Chương 3
10
Chậm rãi ăn xong bữa trưa, tâm trạng tôi tốt lên không ít.
Vừa định lấy điện thoại ra thanh toán thì Mễ Huệ đã nhanh tay chặn lại, tranh phần tôi.
Tôi bất lực cười khổ.
Tiện tay mở WeChat xem sơ qua, thông báo tin nhắn đã vượt quá 99+.
Nhóm gia đình vẫn là nơi gửi nhiều nhất.
Tôi do dự một chút, cuối cùng vẫn nhấn vào xem —
tràn màn hình là mấy chục đoạn tin nhắn thoại 60 giây.
Trầm Xuyên:
【Mẹ, tụi con đã về tới nhà rồi, mẹ đang ở đâu vậy??】
Trầm Lệ Sơn:
【Bà nó, có chuyện gì vậy? Tụi tôi ngồi xe ba tiếng mệt mỏi về đến nhà, bà thì ở nhà nhàn hạ, không nấu cơm, không dọn nhà, quần áo cũng chẳng giặt.】
【Bà lớn rồi mà còn nhỏ mọn thế sao? Thấy tin nhắn thì lập tức quay về!】
Trầm Xuyên:
【Mẹ, mẹ đùa con à? Bạn con đến hết rồi, mẹ lại mất hút? Cơm đâu? Món đâu? Sao chẳng có gì hết vậy?】
Ngay cả Đường Lộ, con dâu tôi, cũng gửi mấy đoạn thoại:
【Mẹ, sao mẹ lại đình công vậy? Không phải cố ý trả đũa vụ hôm qua chứ?】
【Nếu mẹ không muốn giúp con giặt mấy món đồ đó thì nói thẳng, đâu cần làm vậy với tụi con.】
【Giờ thành ra thế này, mấy người bạn đều có mặt ở đây, mất mặt nhất cũng là Trầm Xuyên đó mẹ.】
Trầm Xuyên:
【Nhà loạn như nồi cháo rồi! Đừng nói là bạn con khó xử, ngay cả dì Nhã Bình đến nhà chơi, thấy nhà bừa bộn thế này cũng không dám nói gì, mất mặt chết đi được.】
【Mẹ khỏi cần quay về nữa. Nhà như vầy không mời khách nổi, tụi con dẫn bạn đi ăn ngoài rồi, khỏi cần mẹ lo.】
Trầm Lệ Sơn:
【Bà nó, làm ầm lên thế này bà vui chưa? Tôi muốn xem bà còn muốn làm trò gì nữa. Đến lúc phá tan cái nhà này rồi mới hả dạ hả?!】
【……】
Tôi không thể nghe thêm được nữa.
Từng câu từng chữ lạnh lẽo ấy, chỉ khiến tôi càng thêm kiên quyết với lựa chọn không trở về.
Tôi mở nhóm gia đình, ghi âm một đoạn thoại:
【Tôi đi xa rồi, khỏi cần tìm.
Cái nhà này… nếu tan thì tan thôi.】
Nói xong, tôi rời khỏi nhóm.
11
Mễ Huệ thở dài, vỗ nhẹ vai tôi.
Ăn xong, chị đưa tôi về chỗ ở của chị — một căn nhà nhỏ có gác mái mà chị vừa quyết định mua cách đây hai năm.
Sân không lớn, nhưng phòng khách sạch sẽ thoáng đãng, cả sân ngập tràn sức sống với vô số chậu sen đá, còn có cả một gian phòng làm đồ thủ công được trang bị đầy đủ.
Mễ Huệ thường phát livestream, vừa trò chuyện vừa bán vòng tay thủ công.
Kiên trì hai năm, việc kinh doanh không ngờ lại ổn, còn thu hút được kha khá fan trung niên.
Có sở thích của riêng mình, lại còn biến nó thành sự nghiệp, không bị ai chen vào hay quấy rầy — đúng là hạnh phúc thật sự…
Tôi ngẩn ngơ nhìn, trong lòng vừa ghen tị vừa cảm phục.
Mễ Huệ vừa trò chuyện vu vơ:
“Ngày trước đi làm vất vả cả nửa đời người, về già cũng phải nuôi lấy vài thú vui, không thì nửa đời sau sống biết chán cỡ nào.
“Tôi nhớ hồi xưa bà cũng thích thổi sáo bầu mà, giờ nhàn rồi, học lại đi.”
Tôi vội xua tay:
“Thôi thôi, mấy chục năm rồi, quên sạch rồi còn đâu.
“Ngần ấy năm, ngoài việc trông cháu nấu cơm, tôi chỉ biết chăm hoa chăm cỏ thôi.”
Hồi Trầm Xuyên còn nhỏ, trong khu từng có một người hàng xóm gốc Vân Nam, ngày nào cũng thổi sáo bầu dưới sân.
Tiếng sáo của ông ấy vừa hay vừa dạt dào tình cảm.
Hồi đó làm gì có mạng xã hội hay clip ngắn, chẳng có trò gì giải trí, mỗi tối cơm nước xong, rất nhiều hàng xóm đều ngồi nghe ông ấy thổi sáo.
Ai có hứng thú, ông ấy cũng dạy miễn phí.
Lúc ấy tôi cũng phấn khởi mua một cây sáo bầu, mỗi lần làm xong việc nhà liền xuống dưới học cùng mấy người.
Lâu dần cũng có thể thổi mấy bản nhạc đơn giản, tự nghe mà cũng thấy hay.
Ngay cả Tiểu Xuyên cũng thường khen tôi thổi giỏi.
Có lần sinh nhật nó mời bạn học tới nhà, tôi còn cố tình thổi một bản Happy Birthday để giúp nó nở mày nở mặt.
Hôm đó nó vui cực kỳ, lần đầu tiên thấy người mẹ nội trợ như tôi không khiến nó xấu hổ.
Thế mà chưa được bao lâu, Trầm Lệ Sơn từ công trường về, phát hiện tôi không có ở nhà mà đang dưới sân học thổi sáo cùng người khác.
Ông ấy nổi trận lôi đình.
Lập tức chạy xuống kéo tôi về, còn đập cây sáo bầu tôi quý nhất xuống sàn.
“Không trông con, không làm việc nhà, hóa ra tôi còng lưng kiếm tiền ngoài công trường, còn bà ở nhà rảnh rỗi đi học thổi sáo với đám đàn ông lạ chứ gì?
“Nhậm Tầm Phương, bà định sống kiểu gì thế hả?”
Tôi cãi lại ông ấy.
Việc nhà tôi làm xong rồi, bài tập của con cũng đã kiểm tra.
Lúc rảnh, thằng bé chơi ở dưới sân, tôi học chút nhạc giải trí thì sao?
Đen đủi thay, ngay lúc đó, Trầm Xuyên dưới sân gây sự với bạn, đánh nhau rồi té gãy tay.
Chúng tôi hoảng hốt đưa con tới bệnh viện băng bó.
Về đến nhà, Trầm Lệ Sơn nghiêm mặt cảnh cáo tôi:
“Đấy là cái mà bà gọi là ‘chăm sóc tốt cho gia đình’ à?
“Nếu bà không cứ để mắt tới mấy người đàn ông dạy sáo gì đó, thì Tiểu Xuyên sao lại gây chuyện mà bà cũng chẳng hay? Bà làm mẹ kiểu gì vậy?”
Tôi không cãi lại nữa.
Không chăm được con, tôi vừa đau lòng vừa tự trách.
Nhìn cây sáo bầu gãy làm đôi, lòng tôi đau như cắt.
Từ đó, tôi không bao giờ nhắc tới sáo bầu nữa.
Sau này, người hàng xóm kia cũng nhanh chóng chuyển đi, cũng chẳng ai biết thêm tin tức gì.
Ánh mắt trống rỗng, chán nản của tôi khiến Mễ Huệ càng thêm xót xa.
Chị chợt sáng mắt lên:
“Chăm hoa chăm cỏ à? Quá tuyệt!
Đại Lý này thì hoa lá nhiều không kể xiết.
“Bà có thể tha hồ thể hiện tài năng, giúp tôi biến cái sân này thành tiểu cảnh đẹp nhất khu, để tôi được thơm lây.”
“Vậy thì được.
Ăn ở chùa, mà bà lại không chịu lấy tiền, thì tôi cũng phải làm gì đó cho có ích chứ.”
Tôi cười đồng ý.
Vừa nói chuyện vừa cười đùa, mặt trời đã dần ngả về tây.
Gió chiều thật dịu dàng đến lạ.
Cảm giác bất an khi lần đầu rời nhà… cũng dần được xoa dịu.
Mễ Huệ phấn khởi lắm, nhất quyết khui chai rượu mơ, rủ tôi nhâm nhi trò chuyện ôn lại chuyện xưa.
Chỉ là, ly rượu vừa rót xong, chiếc điện thoại im lìm cả buổi chiều bỗng vang lên.
Không ngờ là… cháu tôi, Thao Thao, gọi tới.
12
Điện thoại vừa kết nối, đầu dây bên kia đã vang lên giọng trẻ con quen thuộc.
“Bà ơi, bà đi đâu rồi? Sao còn chưa về nhà ạ?”
Tôi sững lại một chút.
Trầm Lệ Sơn với bọn họ bị tôi chặn hết, không ngờ lại xúi cháu tôi – Thao Thao dùng đồng hồ định vị trẻ em gọi đến.
Nhưng dù sao cũng là đứa cháu tôi một tay chăm từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn không nỡ lạnh lùng với thằng bé.
“Thao Thao, bà đi xa chơi một chuyến, thời gian tới sẽ không về đâu.
“Con ngoan ngoãn nghe lời cô giáo ở trường mẫu giáo nhé.”
“Ồ, được ạ. Bà nhớ về phải mua Ultraman với đồ ăn ngon cho con đấy.”
Thằng bé dửng dưng nói, hình như vừa chạy đi đâu đó, điện thoại lập tức bị Trầm Lệ Sơn chộp lấy.
“Bà nó, hôm nay bà oai quá nhỉ, làm thằng Trầm Xuyên mất mặt trước bao nhiêu người như thế.
“Lớn tuổi rồi còn bày đặt bỏ nhà đi, còn chặn số tụi tôi, rồi rời luôn nhóm gia đình.
“Bà đang ở quê cũ hay chạy sang nhà chị cả vậy? Thời gian cũng đủ rồi, về nhanh đi, đừng làm mất mặt nữa.”
Tôi nhấp một ngụm rượu mơ, đáp lại bằng giọng chẳng chút thiện cảm:
“Vừa rồi ông không nghe à? Tôi đang ở nơi khác, không về được.”
Vừa dứt câu, đầu dây bên kia lập tức nổi giận, giọng gắt lên mấy bậc:
“Bà bướng vừa đủ thôi! Bà không về thì ai nấu cơm khi con cái đi làm? Tôi thì đâu biết nấu nướng gì!
“Trong nhà chồng chén, quần áo bẩn còn ngổn ngang, con trai con dâu về là mệt phờ ra, vừa về đã lăn vào phòng ngủ luôn.
“Mai Thao Thao còn phải đến trường, đồ đạc chưa ai chuẩn bị, cả đánh răng rửa mặt cũng chẳng ai lo, tôi…”
Tôi cắt ngang tràng dài như bản cáo trạng của ông ta, giọng lạnh băng:
“Các người đều có tay có chân, đều là người lớn khỏe mạnh. Cần gì thì tự mà làm. Không biết thì học, không học được thì làm đại đi.
“Chẳng lẽ tôi sinh ra đã biết giặt đồ nấu ăn?
Chẳng lẽ mấy việc nhà ấy được ghi tên tôi, là của riêng Nhậm Tầm Phương tôi chắc?”
Đầu dây bên kia im lặng rất lâu.
Chỉ còn nghe thấy tiếng thở phì phò nặng nề, như thể huyết áp lại tăng vọt.
“Được.
Bà giỏi thì đừng bao giờ quay về cái nhà này nữa.
“Có giỏi thì đừng cần chồng, đừng cần con, đừng cần cháu. Tôi xem thử xem, sau này già rồi ai lo cho bà.”
Nói xong, ông ta giận dữ cúp máy.
Ngay cả chữ “được” tôi định nói, cũng không kịp truyền sang.